Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

TỰ TRUYỆN: TÔI ĐI HỌC LÀM NGƯỜI


Tui xin phép được xưng tui, bởi vì ngay sau đây tui chỉ kể với một tâm thế tự nhiên, thoải mái nhất và tui cũng mong mọi người cảm thấy thật sự gần gũi khi đọc nó.

Đời người có mấy ai được ông Trời trải thảm hồng mềm mại đón chào, tui cũng không hề truy cầu rằng màu hồng đó sẽ tìm đến mình, bởi có một ai đó đã từng nói: “Được sinh ra trong điều kiện khó khăn là một đặc ân”. Chúng ta thường nghe ông bà chỉ dạy rằng: Con nít là phải ăn cho no, ngủ cho say, học cho giỏi mới được gọi là ngoan. Nhưng bất hạnh thay, tui đâu có được cái tuổi thơ ngon lành đó. Suốt ngày tui chỉ biết chạy loanh quanh làm những việc không tên, không thèm học cũng chẳng buồn ăn. Và sau đây là những gì đã xảy ra trong suốt 27 năm qua khi tui có mặt trên cõi đời này.

Nếu như câu thơ kia viết “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ”(Cây dừa), thì kể từ lúc sinh ra, tui đã thấy má có quán bún riêu rồi. Nó ngang tầm với tuổi của tui hiện tại. Cuộc đời tui cơ cực từ nhỏ. Thuở ấy, tui chỉ biết phụ giúp bưng bán ở quán bún riêu cả ngày. Cái quán nhỏ xíu, chỉ có 3 bàn và 8 ghế. Lúc đó tui chưa đi học cấp 1, cũng chẳng hiểu tại sao lại ra quán phụ má nữa, mà chắc chắn là không phải vì thương cho má làm một mình bởi lúc đó đã biết suy nghĩ gì đâu. Cái số rõ khổ, người ta nói làm con út là sướng, tui thấy đâu có đúng: nhà có 3 anh chị em, tui là con út nhưng lại phải vất vả thế đó. Quán cách nhà có mấy bước chân, má mướn hay mượn mặt bằng gì đó của người ta. Lúc này, ba đi bán cà rem, cái xe kem mà tuổi thơ của thế hệ 8x và 9x đời đầu nào cũng có đó. Sau đó, ba chuyển qua bơm hộp quẹt gas. Làm được một thời gian, thấy độc hại quá, ba nghỉ, về nhà phụ má bán gánh bún. Mặc dù đã có ba phụ hàng ngày nhưng tui vẫn phải ra quán, ngày lại qua ngày, đến khi quán trả lại mặt bằng cho người ta rồi chuyển về trước nhà.

Thoắt một cái, tui vào lớp 1. Do có thói quen chạy bàn, rửa chén từ sớm, nên dù đã vào tuổi đi học nhưng hàng ngày tui vẫn phải ra quán phụ má. Hàng xóm nhìn vào cứ tưởng tui chăm chỉ lắm, nhưng kỳ thực là tui nghe theo sự bắt buộc từ lệnh cấp trên mà thôi. Tới giai đoạn này tui phát triển kỹ năng thêm một level mới là đã biết ra cái chợ trời gần nhà, mời từng chị bán bánh, từng cô bán cá, từng bác bán thịt, từng bà bán rau ủng hộ bún ế của má. Đại loại như vầy: “Cô ABC ơi… Hôm nay có ăn bún không cô? Một tô hả cô? Dạ 2 tô, 3 tô, ít ớt, nhiều rau… Dạ đợi con chút xíu, con bưng tới liền…’’. Thế đó, cứ cuối tuần không đi học là tui ra chợ order như vậy mà không cảm thấy gì cả. Chứ bây giờ có cho tiền thì tui cũng thấy nhục lắm, phải nghĩ lại đã. Ở giai đoạn cấp 1 này, ngoài thời gian phụ má bán bún, những lúc rảnh tui theo anh trai đi rọc lá chuối trên núi về bán lại cho mấy bà làm bánh chưng bánh giò. Hồi đó, một ký lá chuối chỉ 3 ngàn đồng, một ngày 2 anh em cũng rọc được 3, 4 ký lô. Nói là 2 anh em rọc vậy cho oai chứ tui đi theo chỉ là cầm bao và đuổi sóc, bắt chim. Tiền bán được từ lá chuối dĩ nhiên là ông anh tui lấy hết, hồi đó tui chưa nhận thức được tiền bạc nên cũng không đòi hỏi chia công. Vào những ngày hè nắng cháy da, mấy đứa bạn đồng trang lứa đi học thêm môn Toán, môn Văn hết, tui cũng vậy, nhưng học không nhiều như tụi nó, vì tui không ham học chút nào. Thế là tui kiếm việc để làm, tui theo mấy đứa lớn tuổi hơn trong xóm đi bắt cua, tắm mương, mò ốc. Ba má tui không cho phép chuyện này vì biết đó là nguy hiểm, nhưng tui đâu có nghe, coi đó là trò chơi. Những con cua tui bắt về đều đưa cho má làm bún riêu. Trời ơi, khỏi phải nói tui đã hãnh diện đến nhường nào khi má bán những bát bún mà ở trỏng có thứ được làm từ những con cua mà tui bắt được. Rồi cũng qua cái thời trẻ trâu cấp 1 đó, tui chẳng năm nào được cái giấy khen loại khá mà thầy cô phát cho về dán tường để ba má vui. Bây giờ nhìn lại cái học bạ cũ rích mà mắc cười, khóe miệng cười hạnh phúc “lạ”. Lật qua lật lại chỉ toàn thấy mình được các thầy cô xếp cho cùng một loại TB (trung bình) trong cả 4 năm cấp 1, cộng thêm vài dòng phê: “Còn ham chơi, chưa tập trung, hay nói chuyện riêng, hay nhìn bài bạn, phụ huynh cần phải chú ý tới bài tập về nhà của em,…’’. Thử hỏi phụ huynh nào vui cho nổi khi cuối năm con mình mang cuốn học bạ như thế này về nhà bảo ký vào chứ?

Vào cấp 2, tui vẫn ra quán phụ má trong những ngày không đi học trên lớp. Trình rửa chén và bưng bê chạy bàn của tui đã đạt tới mức 1 chấp 2, tức là nếu mướn 2 nhân viên cùng vị trí thì chỉ cần tuyển 1 người như tui là đủ. Tui bao luôn cả đếm tiền, một mình ở nhà dọn quán cho ba má đi chùa, đi chợ, đi chơi, tất cả đều ok, gọn tưng, sạch sẽ. Chỉ đợi ba má về nhìn quanh rồi gật đầu, mỉm cười là tui vui, tui thấy có giá trị, tui thấy tui lớn. Việc vặt là thế, nhưng chuyện học hành lại là một vấn đề nan giải khác. Vào năm lớp 6, tui bị thi lại 3 môn :Toán, Văn, Anh, rồi cũng không vượt qua được, thế là phải học thêm 1 năm nữa. Không hiểu sao tui lại không thấy buồn và xấu hổ về chuyện này, cứ như là chuyện bình thường một ngày ăn cơm ba bữa í, thấy đói thì lại ăn tiếp. Ừ thì học lại cũng tốt, có thêm được hơn 30 người bạn mới, chả sao - tui nghĩ vậy rồi học một lèo tới cuối cấp mà không bị thi lại môn nào. Năm nào học bạ của tui cũng chỉ toàn Yếu và TB, nhưng điều quan trọng nhất là không bị ở lại lớp, không bị mất thời gian vì cái tội ngu. Ngu hơn người lớn hơn mình thì được, nhưng ngu hơn bạn đồng trang lứa là nhục lắm, tui rút ra được như vậy và tự mãn. Trong thời gian học cấp 2 này tui không đi làm thêm gì để kiếm tiền ngoài thầu cuốc cỏ cả một cái rẫy chuối của một bà cụ hàng xóm. Sau 3 ngày làm việc chăm chỉ và nghiêm túc, tui nhận được 100 nghìn tiền công. Khỏi phải hỏi tui sung sướng đến chừng nào. Nhưng mà bây giờ tờ tiền đó tui không nhớ mình đã xài vào mục đích gì, chi tiêu có đúng không, sẽ là tiếc lắm nếu đã đem nó nướng vào tiệm game hay vài que kem gì đó.

Lên cấp 3, tất cả bạn bè được vào trường to, đẹp, gần nhà, nhiều hot girl (lúc này đang phát triển tâm sinh lý - tức dậy thì nên đã biết để ý tới các bạn khác giới) còn tui thì vào trường nhỏ, mới thành lập, xa nhà, lại toàn “dân anh chị” ở ẩn trong đó. Không hiểu tại sao lại có sự bất công như vậy, tui thắc mắc mãi cho tới khi học hết năm lớp 10, tui ngậm ngùi nhận ra sự thật là do mình có bảng điểm ở cấp 2 thấp tè, cộng thêm cái hạnh kiểm không mấy tốt đẹp, trường ngon nào dám cho ngồi. Nhưng lúc này, tui vẫn chưa biết xấu hổ. Tại đây, bản ngã xuất hiện, được đà đang học ngu lại có môi trường phát triển tốt, tui lao vào ăn chơi quậy phá, quên cả mình đang là học sinh, chỉ nghĩ việc đến trường là để tụ tập chơi bời, phá phách. Nói ăn chơi cho oai giống anh chị vậy thôi chứ tui cũng nhát gan lắm, vẫn còn sợ đòn roi, la mắng từ thầy cha, cũng quá lắm là đi ăn hiếp mấy đứa còi còi để lấy le với mấy em xinh tươi hay cúp học vào những tiết mình không thích, thế thôi, thế là hổ báo lắm rồi! Kết quả đắng cay, tui học tới 3 năm lớp 10 mà vẫn không “đứt duyên” được cô giáo chủ nhiệm. Tui buồn và lúc này đã biết xấu hổ, bắt tay lên trán hàng đêm tự xét lại bản thân, nhưng không thấy mình ngu, mình dốt hơn bạn bè, chỉ là… ham chơi hơn ham học nên mới có kết quả như thế này thôi - tui biện minh như vậy rồi ngủ thiếp.

Ra đời, hay đại loại gọi là ra đường kiếm cơm. Lúc này tui đã quyết định bạch chuyện với ba má xin nghỉ học vì học quá… lâu (chứ không phải quá ngu), học thêm chỉ có tốn tiền và thời gian, mà tiền và thời gian là hai thứ không thể sử dụng phung phí được. Thực ra, ý định xin nghỉ học này tui đã từng nói với má vào năm học lớp 6 rồi. Lúc đó, chơi với mấy đứa chăn bò trong xóm, thấy tụi nó ngày ăn ba bữa, còn được dẫn bò đi chơi từ ruộng này đến đồng khác, tui thích lắm, xin má cho nghỉ học để đi chăn bò nhưng má chẳng nói gì mà chỉ đáp lại bằng đôi mắt rất kì lạ. Người ta thường gọi đó là đôi mắt hình viên đạn, tức là nó rất nguy hiểm, có thể gây sát thương cao cho người đối diện ngay tắp lự, rồi chuyện đó cũng qua không còn ai nhắc tới nữa. Thời trẻ trâu đó suy nghĩ cũng đơn giản lắm! Nghe tụi nó nói một con bò có giá tới mười mấy triệu, chăn trong vài năm từ 2 con bò nó đẻ ra một đàn chừng chục con là có trong tay trăm triệu như chơi. Lúc đó trở thành đại gia rồi, việc nhẹ tiền nhiều, ai mà không thích. Tui khoái lắm! Tui có được bài học thuyết phục từ quyết định trở thành người lớn sớm này là nếu muốn thắng trong cuộc chơi thuyết phục, hãy nói ra tất cả bằng trái tim, bằng sự đam mê có trong con người mình. Một không gian im lặng thiệt lâu, 4 mắt dồn về tui không chớp. Tui biết ba má tui đang sốc, sốc vì nghĩ tui đang là một đứa trẻ trong mắt họ (mặc dù đã 18 tuổi) tui phải đi học như mọi người, ít nhất cũng phải hết lớp 12, để sau này thiên hạ không khinh thường tui, nói tui là thằng thất học, không đi học thì ở nhà tui sẽ hư, sẽ là gánh nặng của gia đình, sẽ thành kẻ bất lương của xã hội... Họ đang nghĩ tui sẽ như vậy nếu không ở trường, mọi người có nghĩ như thế không? Có thể lắm chứ, ai mà biết được.
Ba phá vỡ bầu không khí ảm đạm đó bằng một câu một hỏi mà sắc mặt không thấy cảm xúc: “Mày muốn đi làm gì?”.
Tới đây, tui biết mình đang cầm chắc 90% phần thắng trong cuộc thương lượng thế kỷ này. Tui nói: “Con muốn học tiếp”.
Lúc này cơ mặt ba má đã giãn ra bớt và tỏ vẻ khó hiểu trước câu trả lời của tui.
Tui tiếp lời: “Con muốn học nghề nhà hàng - khách sạn, hệ đào tạo ngắn hạn ở Sài Gòn, học cái này người ta không đòi bằng cấp 3, chỉ cần cái bằng THCS là được mà học phí cũng không cao lắm’’.
Cuộc thương lượng thành công hoàn toàn.
Trong thời gian đợi giấy báo nhập học từ trường Trung cấp nghề du lịch Khôi Việt, tui đăng ký thi bằng lái xe mô tô, lại là cái chuyện học hành thi cử, mãi đến lần thi  thứ 3 tui mới lấy được cái bằng lái xe hai bánh mang về, bởi vậy bây giờ tui lái xe chuẩn khỏi chê luôn. Không chấp nhận sự nhàn rỗi, tui lân la đi tìm việc làm, được bạn bè giới thiệu vào một xưởng sản xuất nhựa thô, lương một tháng được 2 triệu 500 nghìn. Làm được 2 tháng thì tui phải nghỉ việc, về đi học. Rồi từ đây, tui thoát khỏi vùng an toàn của cha mẹ để đi đến miền đất hứa… Sài Gòn.

Bài học đầu tiên khi vừa thoát khỏi vùng an toàn.
“Alo, em tới Suối Tiên rồi, ra đón em đi”
“Mày điên à, tới quận 12 còn xa lắm, tự đi tới đi, tao nhắn tin địa chỉ qua cho”
“Nhưng em không biết đường?”
“Đường ở cái miệng của mày á…”
Tút tút tút… Tui như đứa con bị bỏ rơi giữa đường, mặt nóng bừng, một màu đen kịt bao trùm bầu trời, chỉ muốn khóc và bắt xe quay thẳng về Vũng Tàu, ức thì thôi chứ, sao lại đối xử với một thằng chân quê như vậy chứ. Thật ra, tui cũng có vài lần đi xe bus nhưng chỉ là được dẫn đi, đó giờ đã biết tới xe bus là gì đâu, đồ đạc thì lỉnh kỉnh. Đang không biết phải đi về đâu thì tin nhắn tới. Cái địa chỉ khốn khiếp, sao cứ có cái dấu chéo chéo xuyệt xuyệt tùm lum tè le. Ở quê địa chỉ đâu có vậy, đơn giản lắm, cứ tên rồi xóm rồi thôn là xong, nên tui không hề biết những kí hiệu lạ đời này.  THÌ ĐƯỜNG  MING, rồi tui đi, rồi cũng tới, nó mừng gì đâu luôn, cảm giác như vừa chinh phục được đỉnh Everet, mặc dù không biết đỉnh Everet nó nằm ở đây, cao bao nhiêu mét. Xem ra phần nhập môn vào làm dân thành phố cũng không khó như tui nghĩ, được, đi tiếp thôi!

Hàng ngày, tui đi học bằng xe bus. Những buổi không lên lớp, tui đi làm thêm hoặc xách ba lô lên xe bus, lang thang từ bến này đến bến khác, không xuống ngang ở trạm. Tui thích nhìn Sài Gòn qua ô cửa sổ xe bus, không ồn ào và rất nên thơ, khám phá vùng đất mới bằng phương tiện như thế này cũng thấy hay hay. Ban đầu tui có một chân phục vụ ở một quán dê 7 món trên đường quốc lộ 22, ngay cầu vượt An Sương. Tui chọn chỗ này vì chỉ cách phòng trọ có khoảng 2 nghìn bước chân. Ngày nào tui cũng đếm đủ 2 nghìn bước chân là về tới phòng. Sau đó chuyển sang trung tâm hội nghị tiệc cưới White Place trên đường Hoàng Văn Thụ. Ở đây tui phát huy được tối đa khả năng của mình, học được rất nhiều kiến thức trong ngành nhà hàng, và quan trọng hơn những nỗ lực của mình bỏ ra được mọi người công nhận, tui vui.

Sau 2 tháng chăm chỉ tới trường tui cũng nhận được một cái bằng chứng chỉ hoàn thành khóa học Nghiệp vụ Bàn - tức là bạn đã có đủ nghiệp vụ về lý thuyết để đi phục vụ ở nhà hàng có sao, còn mấy sao thì còn tùy vào năng lực của bạn. Học xong khóa này, tui đăng ký học thêm khóa 6 tháng nữa để lấy chứng chỉ Nghiệp vụ Quản lý nhà hàng. Trong thời gian đợi khóa học khai giảng, tui vào làm cộng tác viên trong công ty event mà ông anh đang làm. Lúc đó đang trong mùa tổ chức một cái sự kiện gì đó cho sinh viên ở làng đại học. Nhiệm vụ của tui được phân công là đi sale, tới các cửa hàng bán đồ bất kì trên tuyến đường được chỉ điểm để thuyết phục họ tham gia chương trình của công ty. Tui làm được mấy ngày thì được báo là đã đủ doanh số, không biết tui đã sale được số lượng bao nhiêu nữa vì phần chốt sale là do bên nhân viên văn phòng làm. Sau nhiều tháng chuẩn bị, sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp, mọi người mừng, tui cũng vui. Tui vui không phải vì tui có chút công sức trong đó, mà là vì thấy được sự bản lĩnh của ông anh mình, từ đầu đến cuối chỉ nín thinh chèo lái con thuyền đi tới đích, mặc cho những quyết định của ổng đôi lúc bị nhiều người nghi hoặc, vẫn luôn giữ vững lập trường và không dễ bị lung lay bởi các tác động bên ngoài. Từ đây tui học được sự điềm tĩnh nhưng bản lĩnh và dám làm dám chịu của một leader. Nhưng đời toàn chuyện bất ngờ, sau sự kiện, người quản lý của nhà tài trợ vàng cho event là công ty Pepsi, không biết chuyện trò như thế nào với ông anh tui mà ổng bỗng quyết định nghỉ việc về quê mở đại lý bia và nước giải khát, cũng kéo tui về theo để 2 anh em cùng làm. Tui bị thuyết phục tuyệt đối nên dang dở chuyện học quản lý nhà hàng tại đây, đắng cay.

Tại quê nhà, sau khi hoạt động một thời gian, chúng tui kêu gọi thêm vốn từ bên ngoài và mở thêm một kho mới để nới rộng thị trường tiêu thụ. Công việc hàng ngày của tui rất đơn giản, đi chào hàng ở các quán mới, giao hàng cho các cửa hàng tạp hóa, cà phê và quán nhậu. Học thì dở chứ nói tới làm thì tui rất nhiệt tình và sốt sắng. Có thời gian, khoảng trong vòng 2 tháng, tui tham việc và muốn trải nghiệm môi trường chợ đêm như thế nào nên xin vào bán hàng trái cây cho một sạp sỉ tại chợ đêm Bà Rịa. Đó là công việc nặng nhọc nhưng thú vị ở chỗ lệch múi giờ ngủ hoàn toàn của tui từ nhỏ tới giờ. Tui làm từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng là có 80 ngàn, lương ngày nào lãnh ngày đó. “Cháo ăn liền” như vậy cũng khỏe với một người muốn trải nghiệm như tui, chán lúc nào thì nghỉ lúc đó, khỏi phải lăn tăn đến chuyện giải quyết lương bổng, mà kỳ thực người ta trả lương theo ngày là cũng đã tính đến trường hợp đó.

Lại là chuyện bất ngờ ở đời, khi chúng tui đang có dần thị phần trên thị trường thì ông anh tui bị tai nạn giao thông nặng nên không còn sức lao động trong một thời gian dài. Mọi chuyện do một tay tui quán xuyến hết. Từ sáng tới đêm tui chỉ biết cắm đầu vào đống bia và nước ngọt, hết chào hàng rồi giao hàng, cộng cộng, trừ trừ, tính toán xoay sở tiền hàng muốn chóng mặt. Sau 2 năm, tui già đi thấy rõ, “nhan sắc” xuống trầm trọng, nhưng độ tinh xảo và nhanh nhẹn trong con mắt có phần tăng lên. Mỗi ngày trôi qua với tui là một ngày dài, tui không muốn tiếp tục nữa và tự hỏi đam mê của mình ở đâu. Nó đang nằm trong đống bia này sao? Không phải. Tui thường xuyên mệt mỏi và nghĩ như vậy, tui có quyết định cho riêng mình rồi: tui bỏ cuộc. Thầm nghĩ phải quay về với đam mê thôi, đây không phải là cuộc chơi của mình. Qua vụ làm ăn không thành này, bọn tui mất trắng một số tiền lớn, mất dần sự tin tưởng từ gia đình. Ba má tui cũng mất ăn mất ngủ về chuyện của anh em tui khá nhiều, tui nợ họ một lời xin lỗi.
Lúc này tui 20 tuổi tròn.
Một ngã rẽ cuộc đời mới, quay về với cái gọi là đam mê, tui không theo học nữa, tui quyết định đi làm. Được bạn bè giới thiệu vào một nhà hàng hoành tráng ở thành phố Biên Hòa. Vì chưa đi Biên Hòa lần nào nên tui sẽ thử trải nghiệm ở môi trường này. Tui hào hứng đi phỏng vấn, cầm cái đơn xin việc mỏng lét trên tay, háo hức chờ tới lượt.
Ông quản lý già đi ra nhìn tui và hỏi thẳng: “Đã đi làm ở đâu chưa?”
“Dạ rồi, ở ABC… trên Sài Gòn”
Ông soi từ đầu đến chân tui rồi duyệt: “Đã sẵn sàng đi làm chưa?”
Chỉ vậy thôi, tui được nhận vào làm phục vụ ở đây. Ra về mà đầu tui cứ suy nghĩ, phỏng vấn xin việc dễ đến vậy sao? Mãi sau này tui mới có câu trả lời từ vị tổng và phó tổng rằng “Ban đầu nhìn mày ăn mặc ngon quá, khác hẳn so với mấy đứa khác nên tao duyệt luôn không cần phải hỏi nhiều, cũng không cần phải xem hồ sơ vì chỉ là phục vụ chứ không phải cấp cao gì”. Thế đấy, con người cũng có giá trị hẳn lên vì mặc đồ đúng cách, đúng nơi, người ta vẫn thường nói người đẹp vì lụa mà. Sau 1 tháng chạy bàn vật vã, tui được tiến cử lên làm tổ trưởng, 3 tháng sau thì lên làm giám sát. Ở vai trò này, tui mới thật sự phát huy hết năng lực của mình. Tui bắt đầu tham việc, xin tham gia việc ở các bộ phận khác, nào là kho, bếp, thu ngân, văn phòng, đặt tiệc và kể cả bộ phận tạp vụ, bảo trì, bởi tui hiểu nếu muốn tiếp tục tiến lên phía trước phải không ngừng cố gắng, phải nắm được nguyên lý hoạt động của tất cả các bộ phận cũng như toàn nhà hàng. Sau 2 năm làm việc không mệt mỏi, tui cứng cáp hẳn, tự tin hơn về kiến thức nhà hàng của mình, đúng là chỉ có trải nghiệm mới mang kinh nghiệm đến cho ta, những kiến thức được học ở trường nghiệp vụ không mang giá trị lớn đến cho tui, nhưng đó là bàn đạp để tui bước đến đam mê. Điều duy nhất tui vẫn còn day dứt ở đây là chưa thể ứng xử hợp lý với nhân viên cấp dưới. Tui luôn có nguyên tắc với họ, luôn khó khăn với mọi người và dễ dãi với bản thân. Đó là bản ngã, tui biết mình chưa thuyết phục được nhân viên cấp dưới, tui còn phải học hỏi thêm nhiều. Tui lại nợ người một lời xin lỗi, I’m so sorry for my co-workers.
Có quá nhiều kỷ niệm ở nơi đây, những con người đã cho tui bài học giá trị, tui muốn nghỉ tay một chút để nhớ về họ… Còn nhớ một cậu nhân viên của tôi, chừng 16 tuổi, tính khí như một con trâu điên, rất hung hăng, sẵn sàng tước đi mạng sống của ai nếu dám chọc cậu ta giận. Khi đó tui là nạn nhân bởi vì trong công việc tui quá nghiêm khắc, nên mới đem lòng uất hận tui từ lâu. Đứng trước lưỡi hái của tử thần, tui hít sâu, điềm tĩnh dùng những lời nói có tính thuyết phục cao nhằm cảm hóa thú tính bên trong cậu ta. Nó có hiệu quả ngay tức thì, cậu ta hiểu hết ý tui đang nói gì. Mới vài phút trước thôi tui còn đứng trước giữa sự sống và cái chết chỉ một lằn ranh mỏng manh, vậy mà sau khi tui nói, cậu ấy buông dao và còn rưng rưng coi tui như một người anh. Thật là vi diệu! Sau sự việc đó, tui mới nghiệm ra được bài học quý mà mình đã bị ảnh hưởng sâu sắc từ trong gia đình đó là tính nhẫn của ba và sự điềm tĩnh của anh trai, cộng khả năng thuyết phục, cảm hóa lòng người đã giúp tui vượt qua nạn ải trong gang tấc. Rồi từ đó tui có một hình xăm đầu tiên trên người là chữ Nhẫn, tui quý. Rời nhà hàng, tui cùng vợ về quê để bắt đầu một cuộc sống mới, lúc bấy giờ tui đã lập gia đình.
Tại quê nhà, cùng lúc tui được nhận 2 đơn trúng tuyển vào 2 nhà hàng khác nhau, một ở thành phố biển Vũng Tàu, một ở bờ biển Hồ Tràm. Tui chọn Hồ Tràm để công tác vì mô hình kinh doanh ở đây phù hợp với tui hơn. Làm được đúng 1 tháng đầu tiên, tui phải lên gặp trực tiếp Giám đốc để xin thôi việc, tui không thể tiếp tục trụ lâu hơn nữa. Nhà hàng này quả là sang trọng thật đấy, nhưng cả một tháng làm việc nơi đây tui chỉ đếm được èo ọt vài ba bàn khách trên đầu ngón tay mình, tui không chấp nhận sự nhàn rỗi đáng sợ như vậy để rồi cuối tháng xoè tay nhận đủ tiền lương. Cho tới bây giờ, tui mới nhận ra được rằng đó là sự trốn chạy chứ không phải là một quyết định khôn ngoan. Tui đã rút lui quá nhanh, chưa kịp suy nghĩ chín chắn, tui còn chưa cống hiến được gì để cải thiện doanh thu. Kèo này tui đã thua, một bài học đáng giá về sự quyết định vội vàng.
Đời… lại chuyện bất ngờ.
Tui mất 2 tháng của tuổi trẻ để đi tìm công việc lý tưởng mới, nhưng làm gì có khái niệm công việc lý tưởng chứ. Tui đâu biết và cứ chạy theo những tiêu chuẩn như nhà hàng phải to, phải nổi tiếng, có hệ thống làm việc chuyên nghiệp, sếp giỏi thì càng tốt. Nhìn lại 60 ngày trôi qua mà không tạo ra giá trị, tui buồn chán và cảm thấy nghi ngờ bản thân: có phải tui bất tài nên không ai thuê sức lao động của mình? Trong lúc căng thẳng với việc làm, tui bắt đầu biết than vãn, tui than vãn để rao bán sức lao động của mình.
Vào một buổi sớm mưa phùn giăng kín cả vùng trời thành phố Bà Rịa, tui nhận được tin nhắn từ thằng bạn đã quen được hơn 20 năm: “Cafe?”. Mưa vẫn cứ rơi ngoài trời, hai đứa đã lâu không gặp nhưng cũng chẳng có chuyện gì để nói ngoài vài ba câu tán dóc tẻ nhạt.
Mắt vô hồn nhìn vào những hạt mưa đang rơi, tui lại có cơ hội để than vãn “Tao đang thất nghiệp, mày biết chưa?”
Nó “Ừ” nhỏ một cách vô tâm mà mắt vẫn cứ dán vào cái smartphone, tay quẹt quẹt.
Tui lại nhìn mưa và nghĩ về nước Mỹ.
Im bặt một hồi lâu bổng nó cất lời “Qua công ty tao làm không?”
“Làm gì?”
“Làm sale”. Không đợi tui có thái độ gì, nó phán chắc nịch: “Mày làm được”.
Thế là tui có một công việc hoàn toàn không lý tưởng so với tiêu chí mà mình đã đề ra ban đầu, nhưng tui cần lương, tui còn những khoản cần phải thanh toán hàng tháng. Trở lại với câu chuyện tiêu cực của tui khi gặp các mối quan hệ xung quanh hay than vãn về tình trạng thất nghiệp của mình, tui lại nhận thấy đây không phải là hành động tiêu cực mà là một bài học về cách bán hàng đầu tiên của mình, tui đang chào bán sức lao động của chính mình. Khi chúng ta đã có sản phẩm, nếu muốn nhiều người biết đến và mua hàng của mình, chỉ còn cách chào bán. Vậy tui đang rao bán sức lao động của mình hay than vãn?
Sau 3 ngày thử việc tại công ty, tui quay về thị trường tỉnh để công tác. Lửa trong người rất cao nên lao vào làm việc như điên, thời gian làm việc bỏ ra gấp đôi nhân viên trong nhóm. Chỉ sau 6 tháng, tui cày nát hết thị trường của mình được giao: khách hàng nhỏ lẻ, hẻm hóc gì tui mò đến hết, khi đồng nghiệp có chuyện phải nghỉ phép tui cũng xin được bán thay để khám phá thêm về thị trường của đồng nghiệp. Tui không chịu ngồi yên để khách hàng tự tìm đến mình mà thay vào đó luôn đặt câu hỏi liệu ai có thể trở thành khách hàng của mình trong tương lai? Tui luôn hỏi, luôn hỏi như vậy để giải bài toán doanh số hàng tháng. Kết quả thật bất ngờ! Đi đâu tui cũng thấy đó là khách hàng của mình, là người đang cần mình bán một thứ gì đó mang lại giá trị cho họ.
Tui gắn bó với nghề được 2 năm, và đây là lúc tui nhìn lại cuộc đời mình, nhìn lại cái đam mê mà mình đã chọn năm xưa, nó có còn trong mình không hay đã chết từ lâu rồi? Còn, nó vẫn còn đó, nó vẫn nằm gọn trong tim và chờ ngày trỗi dậy, tui biết mà. Có lúc tui cũng nhìn lại cái trình độ học vấn của mình, sao mà thấy tệ quá. Suy nghĩ tới đây, tui ra một quyết định mà ai cũng ra sức ngăn cản, tui sẽ đi học tiếng Anh. Lúc bấy giờ, tui đã có con và muốn có một con chữ gì đó để dạy dỗ nó sau này, tui nghĩ vậy và xin thôi việc.
Một điều không thể phủ nhận rằng tui rất yêu nghề sale, tui thích chinh phục những thị trường còn bỏ ngỏ, muốn cho khách hàng niềm tin nhiều hơn nữa về sản phẩm cũng như xóa bỏ lối định kiến của mọi người từ xưa tới giờ, rằng những người bán hàng toàn là những thằng chỉ biết nói dối ăn tiền. Chính nơi đây cũng giúp tui trưởng thành hơn rất nhiều, kỹ năng giao tiếp và thuyết phục cũng tăng lên một bậc. Sự thiếu hụt kiến thức về tâm lý và nhân tướng con người ở môi trường nhà hàng đã giúp tui lấp đầy khoảng trống, bởi 1 tuần làm việc tui phải tiếp xúc tới 300 khách hàng, mà mỗi người thì có một tính cách khác nhau, lâu dần thì nhạy cảm với tất cả cơ mặt, lời nói, ánh mắt, đi đứng của người đối diện.
điều quan trọng nhất giúp tui thành công khi ra thị trường là luôn trong tâm thế bán sản phẩm của công ty như bán sản phẩm của chính mình. Chúng ta hãy lấy ví dụ về một sản phẩm mà mình đã tâm huyết dày công nguyên cứu, bỏ một đống tiền và công sức tạo ra để phục vụ cho cộng đồng, khi sản phẩm được hoàn thiện và cầm ra thị trường, chúng ta sẽ bán nó như thế nào? Bán được thì giao, thì vui, thì sản xuất tiếp, còn không bán được thì về, thì đổ thừa cho sản phẩm không tốt, người tiêu dùng không quan tâm, thì hủy không sản xuất nữa, hết? Vậy thôi ư? Chúng ta có thực sự dám dửng dưng như vậy đối với sản phẩm của chính mình hay không? Trả lời được câu hỏi này, tui nghĩ chúng ta đã tiến lên được một “đẳng cấp” khác của nghề, mà dường như ai cũng biết đó là đạo đức nghề nghiệp. Hãy suy nghĩ chậm về điều này bởi đã là một “chiến binh” thì phải nắm rõ tư tưởng cốt lõi đó khi ra “trận”.
Thật ra, trong suốt quá trình từ 23 đến 26 tuổi, tui có khởi nghiệp qua vài lần, 2 lần về mô hình ăn uống, 1 về mô hình dịch vụ quà tặng, nhưng đều thất bại cả. Tuy nhiên, chúng không thể làm tui gục ngã mà chỉ làm cho tui bản lĩnh và trưởng thành hơn mà thôi. Khi đang phải vắt óc suy nghĩ nên tiến hay lùi trong mô hình kinh doanh ăn uống của mình thì tui bén duyên với thiền và giáo lý Phật pháp, cảm ơn người đã cho tui giác ngộ sớm về điều này, tui biết ơn vô lượng. Chợt nhận ra một điều gì đó về việc mình làm nó hoàn toàn không mang lại giá trị cho cộng đồng nên tui quyết định từ bỏ tất cả để sống đúng với nhiệm vụ làm người, với càn khôn vũ trụ. Khi đó tui đang theo lớp “tu học” ở Trung tâm Anh ngữ Hama Village, một môi trường tốt để tui phát triển toàn diện về cả thân, tâm và trí. Tui theo học và trợ giảng ở đây 1 năm để hoàn thiện chức năng làm người của mình… Và giờ đây, tui đã sẵn sàng vươn ra biển lớn, bước ra ngoài cống hiến, mang lại giá trị cho xã hội!



Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

ENGLISH SPEAK

INTRODUCE MY SELF



THING I SCARE IN LIFE



POWER TO WIN




IF THE SUCCESS IS A GAME



CONFUCIUS - KHỔNG TỬ



THỌ KHANG BẢO GIÁM



QUESTION - ANSWER: WARM UP




QUESTION - ANSWER: FRIEND



QUESTION - ANSWER: PLACE



QUESTION - ANSWER: FREE TIME




VIETNAMES BOOKS


EM PHẢI ĐẾN HARVARD HỌC KINH TẾ 



NẾU THÀNH CÔNG LÀ MỘT CUỘC CHƠI



NỀN GIÁO DỤC CỦA NGƯỜI GIÀU